VARS: Nhiều dự án địa ốc ‘đắp chiếu’ mở bán lại nhưng giao dịch kém

Trong bối cảnh giá nhiều phân khúc nhà ở tăng nóng, thời gian qua, Hà Nội ghi nhận một số dự án “đắp chiếu” nhiều năm mở bán trở lại. Gần đây, một số sàn giao dịch bất động sản rục rịch giới thiệu trở lại dự án HaNoi Melody Residences (quận Hoàng Mai) sau hơn một năm dừng xây dựng. Dự án này từng mở bán cách đây hai năm, với giá khoảng 40-45 triệu đồng một m2.

Đầu năm 2023, chủ đầu tư dự án này đưa ra chiết khấu lên đến 38% khi khách thanh toán sớm 95% giá trị căn hộ, tương đương người mua được giảm 1-3 tỷ đồng tùy căn. Sau đó, dự án dừng khởi công. Anh Đức Hoàng, môi giới bất động sản chuyên khu vực phía Nam Hà Nội, cho biết sau gần hai năm, với thông tin mở bán lại, giá bán dự kiến tăng gấp đôi so với giai đoạn trước, lên đến 60-70 triệu đồng một m2.

Một dự án khác là QMS Top Tower cũng được “hồi sinh” sau 4 năm bất động. Dự án từng được cất nóc vào tháng 4/2020 với giỏ hàng 490 căn, giá khoảng 35 triệu đồng một m2. Hồi tháng 8, chủ đầu tư thông báo mở bán trở lại, giá cũng tăng gấp đôi, lên 65-75 triệu đồng một m2.

Ngoài hai dự án trên, một số dự án dừng xây dựng trước đây cũng có thông tin được mở bán lại thị trường như Hanoi Signature, The Summit Building (quận Cầu Giấy). Tại thị trường phía Nam, một số dự án cũng rục rịch triển khai trở lại như Astral City (TP Thuận An, Bình Dương), khu đô thị Ecity Tân Đức (Đức Hòa, Long An)…

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc một số chủ đầu tư tái khởi động dự án bị bỏ hoang là dấu hiệu tích cực của thị trường. Thực tế này cho thấy kỳ vọng tháo gỡ ách tắc sau khi 3 luật liên quan bất động sản (Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản) có hiệu lực từ ngày 1/8. Nếu được “hồi sinh” thành công, những dự án này không chỉ mang đến cơ hội duy trì hoạt động kinh doanh cho chủ đầu tư, góp phần giải cơn khát về nhà ở.

Tuy nhiên, việc tái khởi động thành công các dự án đình trệ nhiều năm không đơn giản. Hội Môi giới cho biết giá bán tăng cao trong khi chất lượng không được nâng cấp khiến nhiều dự án nhanh chóng “im hơi lặng tiếng”.

Hãng dịch vụ bất động sản Avison Young cũng đánh giá tình hình mở bán trở lại của một số dự án từng “đắp chiếu” không mấy khả quan. Đơn vị này dẫn chứng dự án Hanoi Signature (trước đây là D’.Palais de Louis do Tân Hoàng Minh phát triển) được chào bán trở lại với giá khoảng 6.700 USD (khoảng 170 triệu đồng) một m2, nhưng chỉ hấp thụ được gần 20% giỏ hàng. Nguyên nhân là giá cao và vấn đề pháp lý trước đây khiến dự án khó tiếp cận khách hàng.

Thị trường bất động sản Hà Nội nhìn từ cửa ngõ phía Tây. Ảnh: Ngọc Thành

Lý giải diễn biến trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, cho rằng ngay cả khi vướng mắc về pháp lý được gỡ, áp lực về tài chính vẫn là rào cản lớn với các doanh nghiệp. Các dự án bị bỏ hoang trong thời gian dài thường xuống cấp về cơ sở hạ tầng, khiến chi phí phục hồi rất lớn.

Ngoài ra, chi phí tài chính phát sinh trong khoảng thời bị dừng đã “ăn mòn” hết lợi nhuận theo kế hoạch triển khai ban đầu. Đây là một phần nguyên nhân khiến chủ đầu tư tăng giá bán nhiều lần khi mở bán lại những dự án dừng xây dựng nhiều năm, mục tiêu để thu được lợi nhuận.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Xây dựng cho biết Tổ công tác tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản đã làm việc với 8 địa phương gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định và một số doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 9, Tổ đã nhận được 188 kiến nghị liên quan đến hơn 200 dự án và chuyển tiếp đến địa phương, các bộ ngành để cùng tháo gỡ. Điều này tạo chuyển biến tích cực trong việc triển khai nhiều dự án bất động sản.

Để hạn chế tình trạng dự án bỏ hoang, chậm triển khai, Bộ này đề nghị các địa phương tăng thanh tra, đôn đốc việc triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh bất động sản trên địa bàn.

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8 quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải triển khai xây dựng, đưa đất vào sử dụng trong thời hạn hai năm kể từ ngày giao đất. Sau hai năm, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng. Quá thời hạn trên, nếu doanh nghiệp vẫn chậm đưa đất vào sử dụng, Nhà nước có thể thu hồi mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất hay chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Ngọc Diễm

Nguồn thông tin được lấy từ : https://vnexpress.net/vars-nhieu-du-an-dia-oc-dap-chieu-mo-ban-lai-nhung-giao-dich-kem-4807190.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *